Cách nhận biết và phòng ngừa bệnh ghẻ.

Ghẻ ngứa do một loại ký sinh trùng gọi là “cái ghẻ”, Scarcoptes scabiei hominis, gây ra. Đây là một bệnh ngoài da do lây nhiễm, không phải do “nóng gan” sinh ra như nhiều người lầm tưởng.

Bệnh ghẻ nhận biết, điều trị và phòng bệnh (Truyền hình Cần Thơ)

Cái ghẻ hình bầu dục, đường kính khoảng 1/4mm, trông giống con rùa 8 chân qua kính hiển vi. Cái ghẻ thường hoạt động về đêm, xâm nhập vào lớp sừng của thượng bì, đào hầm (rãnh ghẻ) và đẻ trứng; trứng nở thành ấu trùng sau 3-4 ngày, phát triển thành con trưởng thành trong vòng 20-24 ngày và tiếp tục gây đợt ngứa mới. Do đó, bệnh thường tái phát theo chu kỳ khoảng 3 tuần.

Ghẻ ngứa chỉ gây bệnh ngoài da, rất dễ lây nhiễm từ người này sang người khác, nhất là ở những nơi kém vệ sinh. Lây truyền chủ yếu do tiếp xúc trực tiếp (sống chung đụng, bắt tay giao tiếp, quan hệ tình dục…) và ghẻ ngứa cũng được xếp vào nhóm các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Bệnh cũng có thể lây gián tiếp qua tiếp xúc với đồ vật (vât dụng cầm tay, quần áo, giường, chiếu, chăn màn…)

Tổn thương đặc hiệu của ghẻ ngứa là các rãnh ghẻ và mụn nước, thường khu trú ở những vùng da non như kẽ ngón tay, cổ tay, lòng bàn tay, quanh rốn, phần dưới bụng, háng, dưới bàn tọa, kẽ hậu môn, bộ phận sinh dục.

Các biện pháp phòng ngừa

Chú ý phát hiện và điều trị sớm, bệnh sẽ chóng khỏi và ít lây lan. Không gãi, không tự ý dùng các loại thuốc bôi như: thuốc rầy, thuốc súng, DDT…rất nguy hiểm.

– Tắm sạch, lau khô trước khi bôi hay xịt các loại thuốc do bác sĩ chỉ định tùy tình trạng bệnh lý. Thoa, xịt thuốc toàn thân, từ cổ đến chân, tốt nhất vào buổi tối trước khi đi ngủ. Có thể thoa thuốc 2-3 lần mỗi ngày, liên tục trong 10-15 ngày.

– Quần áo, chăn, màn, chiếu, gối nên giặt tẩy, khử trùng thật sạch; có thể trụn nước sôi, phơi nắng cho thật khô, ủi nóng trước khi mặc… để diệt hết cái ghẻ và trứng, đề phòng tái nhiễm hoặc lây lan bệnh. Tránh dùng chung quần áo và các vật dụng cá nhân.