Số ca mắc COVID-19 liên tục lập đỉnh, các địa phương lo dịch bùng phát

 Trước số ca mắc COVID-19 liên tục tăng cao trong những ngày gần đây, nguy cơ bùng phát dịch là rất lớn, nhiều tỉnh thành trong cả nước đã khẩn trương triển khai các biện pháp để nhanh chóng kiểm soát dịch.

Lào Cai: Tạm dừng học trực tiếp

Trong những ngày vừa qua, số ca nhiễm COVID-19 ở Lào Cai tăng nhanh, ngày 19/2, địa phương này ghi nhận 1.410 ca mắc.

Để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, tỉnh Lào Cai yêu cầu các xã, phường khẩn trương khoanh vùng, dập tắt các ổ dịch đang phát sinh trong cộng đồng bằng các biện pháp phong toả tạm thời các khu vực có ổ dịch một cách hẹp nhất và tầm soát xét nghiệm để tách F0 ra khỏi cộng đồng. 

Tại các khu vực có ổ dịch yêu cầu các nhà hàng, quán ăn, quán giải khát tạm dừng hoạt động cho tới khi kiểm soát được dịch bệnh.

Các xã, phường đang ở cấp độ dịch 3, 4 không tổ chức tiệc cưới, hỏi, liên hoan, gặp mặt, tổ chức ăn uống đông người để tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh. 

Các dịch vụ như vũ trường, quán bar, karaoke, massage, internet, trò chơi điện tử tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch COVID-19 cho đến khi dịch giảm về cấp độ 1, 2.

Tỉnh Lào Cai yêu cầu tạm dừng việc dạy học đối với cấp học mầm non trên địa bàn toàn tỉnh, riêng TP Lào Cai sẽ tạm dừng việc tổ chức dạy và học trực tiếp đối với tất cả các cấp học trên địa bàn kể từ ngày 19/02/2022 cho đến khi có thông báo mới (gồm: mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục nghề nghiệp). 

Các địa phương tăng cường điều trị tại nhà đối với các trường hợp mắc COVID-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ; đồng thời đẩy mạnh hoạt động của Tổ COVID-19 cộng đồng nhằm giám sát các trường hợp F0, F1 điều trị, cách ly tại nhà.

Bắc Ninh: Dừng các hoạt động không thiết yếu

Để hạn chế số ca nhiễm lây lan nhanh sau Tết, tỉnh Bắc Ninh đã có văn bản yêu cầu tạm dừng hoạt động các dịch vụ vũ trường, quán bar, karaoke, mát-xa và các hoạt động lễ hội tập trung đông người.

Yêu cầu các dịch vụ ăn uống trong nhà chỉ phục vụ 50% công suất, không quá 30 người cùng một thời điểm, khuyến khích bán hàng mang về.

Hạn chế số người ở các đám hiếu, hỉ, không quá 30 người. Các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng được hoạt động nhưng không quá 20 người cùng một thời điểm…

 Trong ngày 19/2, Bắc Ninh lập kỷ lục với 2.002 ca mắc COVID-19, như vậy toàn tỉnh Bắc Ninh đã có hơn 15 nghìn ca mắc COVID-19 đang điều trị, trong đó có 47 ca nặng.

Về cấp độ dịch, địa phương này có 76 xã/phường/thị trấn ở cấp độ 1; 19 xã/phường/thị trấn ở cấp độ 2; 30 xã/phường/thị trấn cấp độ 3; xã Yên Phụ (huyện Yên Phong) ở cấp độ 4.

Số ca mắc COVID-19 liên tục lập đỉnh, các địa phương khẩn trương ứng phó - Ảnh 2.
Nhiều địa phương hạn chế các hoạt động tập trung đông người để giảm nguy cơ mắc COVID-19.

Phú Thọ: Đẩy nhanh tiêm chủng vaccine COVID-19, ưu tiên những đối tượng có bệnh nền

Trong 9.039 ca bệnh COVID-19 đang điều trị tại Phú Thọ có hơn 2.861 (31,7%) trẻ em dưới 16 tuổi; 54 (0,6%) phụ nữ có thai; 1.247 (13,8%) người trên 50 tuổi; 521 (5,8%) người trên 65 tuổi; 307 (3,4%) người có bệnh nền.

Hiện có  8.885 (98,3%) ca điều trị tại nhà và 154 (1,7%) ca điều trị tại bệnh viện điều trị COVID-19 của tỉnh và trung ương.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, để hạn chế số ca lây nhiễm, giảm tỷ lệ chuyển nặng và tử vong Sở Y tế Phú Thọ yêu cầu các đơn vị ưu tiên đẩy nhanh tiến độ Chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19, trong đó:

Tập trung rà soát và tổ chức tiêm vét cho những người chưa được tiêm, nhất là những đối tượng từ chối tiêm chủng, người cao tuổi, người mắc bệnh nền. 

Tổ chức tiêm mũi vaccine tăng cường và mũi vaccine nhắc lại cho người dân từ 18 tuổi trở lên, đặc biệt lực lượng tuyến đầu chống dịch, nhóm người cao tuổi, người bệnh nền, phấn đấu tối thiểu đạt 99% trong quý 1/2022.

Rà soát, sẵn sàng phương án tiêm vaccine cho nhóm trẻ em từ 5-11 tuổi theo hướng dẫn và tiến độ quy định của Bộ Y tế.

Nam Định: Tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội; không tổ chức hoạt động tập trung đông người. Yêu cầu người dân hạn chế di chuyển ngoại tỉnh khi không cấp thiết

Sau nhiều ngày liên tiếp ghi nhận số ca mắc COVID-19 luôn ở con số cao 1700-1800 ca mỗi ngày, tỉnh Nam Định đã có văn bản yêu cầu các địa phương trong tỉnh tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội; không tổ chức hoạt động tập trung đông người. Yêu cầu người dân hạn chế di chuyển ngoại tỉnh khi không cấp thiết.

Hoàn thành tiêm chủng phòng COVID-19 mũi 3 cho người dân trên 18 tuổi trong tháng 3/2022; mỗi huyện, thành phố phải bố trí một điểm tiêm cố định, công khai thông tin trên phương tiện truyền thông để người dân được biết, đồng thời tăng cường hỗ trợ người dân trong tiêm phòng, nhất là người già, người bệnh.

Các huyện, thành phố duy trì nơi cách ly, nơi thu dung tập trung; tiếp tục nâng cao điều kiện vật chất, trang thiết bị y tế và hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế các cấp, nhất là trạm y tế xã, trạm y tế lưu động trong phát hiện, điều trị F0, nhất là các ca F0 điều trị tại nhà.

Thanh Hóa: Khẩn trương thành lập tổ tư vấn, chăm sóc người bệnh COVID-19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại nhà

Sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đến nay, số ca bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tăng mạnh, trong đó số bệnh nhân nguy kịch, tử vong do COVID-19 có xu hướng tăng nhanh. Đến nay địa phương này đã ghi nhận 34.240 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 49 bệnh nhân tử vong.

Để tăng cường phòng, chống dịch COVID-19, hạn chế tối đa lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng, chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn, ngày 19/2, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành công điện khẩn yêu cầu các huyện/thị xã/ thành phố chủ động rà soát, củng cố năng lực hệ thống y tế các cấp, không để xảy ra tình trạng quá tải, bị động; tuyệt đối không để người dân sau khi xét nghiệm có kết quả dương tính với vi rút SARS-CoV-2 mà không được tiếp cận dịch vụ y tế, không được cấp phát thuốc, không được quản lý, theo dõi sức khỏe.

Khẩn trương thành lập Tổ tư vấn, chăm sóc người bệnh COVID-19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại nhà ở 3 cấp (cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã); thành lập, đưa vào hoạt động Trạm y tế lưu động ở tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn.

Khuyến khích các hộ gia đình, cá nhân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, tự chủ động xét nghiệm SARS-CoV-2 để sớm phát hiện bệnh và có biện pháp điều trị kịp thời.

Hạn chế tối đa việc tổ chức ăn uống đông người tại các đám cưới, đám tang, mừng sinh nhật, mừng nhà mới, liên hoan…; khuyến khích các nhà hàng, quán ăn tổ chức bán mang về.

Đối với các cơ quan của Đảng, nhà nước, lực lượng vũ trang và đoàn thể từ cấp tỉnh đến cấp xã, cần tổ chức việc xét nghiệm định kỳ SARS-CoV-2 cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong đơn vị để phát hiện sớm và ngăn ngừa dịch bệnh, bảo đảm nhân lực làm việc bình thường theo chức năng, nhiệm vụ.

Nguồn: Báo điện tử Bộ Y Tế/SKĐS